Napoleon từng nói: “Người phụ nữ đẹp là bông hoa có linh hồn”. Doxtoiepxki, nhà văn Nga, tác giả bộ tiểu thuyết lớn “Tội tác và trừng phạt” nổi tiếng đã phát hiện cho nhân loại một tư tưởng nhân văn vĩ đại là “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Cái đẹp là “mục đích cuối cùng của sinh tồn”. Nhưng thế nào được coi là đẹp, có tiêu chí nào chung cho phụ nữ đẹp của mọi thời đại hay “mạnh ai người nấy phán?”
Trước tiên phải nói ngay, chúng ta không bàn đến cái đẹp chung chung, mà nói cụ thể về những phụ nữ đẹp. Hỏi về sắc đẹp của bông hoa, tốt nhất nên hỏi người chơi hoa, chớ hỏi người coi hoa cũng chỉ là cỏ rác. Hỏi về phẩm chất tốt của người cha, nên hỏi những đứa con của ông ấy, chớ hỏi những người dưới quyền của ông ấy, họ có thể nịnh bợ mà nói không đúng sự thật. Hỏi về một món ăn có ngon không, nên hỏi người đang đói, muốn ăn, chớ hỏi người đã no xôi chán chè. Tương tự như vậy, nói về cái đẹp của phụ nữ, nên hỏi đàn ông.
Tiếp theo cũng cần nói rõ, tiếng Việt có hai từ “tốt” và “đẹp”. Tốt nghiêng về phẩm chất, nội dung. Đẹp nghiêng về hình thức, dáng vẻ bề ngoài. Người ta hay gộp cả nội dung bên trong lẫn dáng vẻ bề ngoài để thành từ kép là “tốt đẹp”. Nhưng trong bài này, chúng ta chỉ nói về vẻ đẹp của người phụ nữ, vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp ai cũng thấy, còn “vẻ đẹp tiềm ẩn”, vẻ đẹp tâm hồn, đâu có dễ bàn.
Từ trước đến nay, nói về vẻ đẹp phụ nữ không dễ, bởi nó là vấn đề nhạy cảm. Nói người này đẹp, nghĩa là ám chỉ người còn lại không đẹp, mà chẳng ai muốn mình không đẹp. Chính vì thế, người ta hay nói tránh, nói nước đôi, nói lấy lòng rằng “không có phụ nữ xấu”, “vẻ đẹp trong mắt kẻ si tình”. Nhưng hôm nay đã nói là phải nói thẳng, nói thật, dù có thể ai đó chưa hài lòng.
Nếu công nhận không có phụ nữ xấu, ai cũng đẹp cả, thì người ta sinh ra hai chữ “xấu” và “đẹp” để làm gì? Tại sao từ xưa đến nay, người ta vẫn tổ chức thi người đẹp, kén vợ đẹp. Vua chọn cung tần, mỹ nữ cũng tốn công, nhọc sức chứ có đâu chọn bừa, chọn đại khái? Dân gian vẫn còn những câu “đẹp nghiêng nước nghiêng thành” và xấu “ma chê quỷ hờn” đó thôi. Vậy nói gì thì nói, vẫn có người xấu kẻ đẹp. Lại nói về câu: “Vẻ đẹp không ở trên má hồng thiếu nữ, mà ở trong mắt kẻ si tình”. Kẻ si tình là kẻ thiếu khả năng nhận xét, đánh giá, bởi “si mê” là trạng thái tâm lý bất thường, giống như người đang say, mơ mơ màng màng, không thể dựa vào ý kiến của anh ta được. Chí Phèo lúc hứng tình, có thể coi Thị Nở là đẹp như tiên, nhưng khi hắn tỉnh, hắn đã thoả mãn dục vọng, chắc gì hắn còn giữ nguyên ý kiến ấy?
Vậy thế nào là một người phụ nữ đẹp? Từ trước đến nay, cách đánh giá về phụ nữ đẹp có thay đổi nhiều lắm không? bỏ qua những khác biệt không quan trọng, những tiêu chí của phụ nữ đẹp mọi thời đại đều giống nhau, đó là cái đẹp mang màu sắc “giới tính”.
Nói đến vẻ đẹp bên ngoài, người ta có thể kể đến đôi mắt, gò má, hàm răng, cái mũi, làn da, mái tóc, dáng đứng, bàn tay, ngón tay, bàn chân, thân hình. Nhưng những điểm quan trọng nhất khi đánh giá một người phụ nữ đẹp hay không đẹp lại chính là bộ ngực, eo và hông, những vùng nhạy cảm, những vùng liên quan tới “chức năng giới tính”. Trước kia cũng thế, nay cũng vậy.
Xưa xửa xừa xưa, khi tả về phụ nữ đẹp, người ta né tránh những từ cụ thể, mà dùng những từ ngữ, những câu chung chung, nên ai tưởng tượng thế nào cũng được. Nguyễn Du khi tả vẻ đẹp của Thúy Kiều, cũng chẳng nói Kiều cao bao nhiêu, mắt mũi thế nào, chỉ nói chung cung là: “Một hai nghiêng nươc nghiêng thành/ Sắc đành có một, tài đành hoạ hai” (sắp đẹp thì nhất, còn tài thì may ra mới có người thứ hai). Trong văn chương, sử sách có nói đến bao nhiêu người đẹp như Đắc Kỷ, Điêu Thuyền, Huyền Trân công chúa, Mỵ Châu, Tiên Dung, Ngọc Hân, nhưng chẳng thấy ai nói đến vẻ đẹp của họ ra sao. Dương Quý Phi đẹp cũng chỉ được Lý Bạc tả rằng:
Mây tưởng xiêm y hoa tưởng người
Gió xuân phân phất hạt sương rơi
Nếu không gặp gỡ nơi Quần Ngọc
Chắc cũng Giao Đài bóng nguyệt soi
Tương tự như vậy, trong dân gian có câu “đẹp như tiên”, nhưng tiên đẹp thế nào cũng chịu. Vẻ đẹp của Thuý Vân được nói đến chỉ là “mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”, đố ai vẽ lại đúng dáng vẻ Thuý Vân ra sao.
Trong văn chương bác học thì như vậy, chứ trong ngôn ngữ bình dân, mọi thứ rõ ràng, cụ thể và “trắng phớ” mọi điều.
Nói về vóc dáng thì phụ nữ đẹp là phải “mỏng mày hay hạt”, “liễu yếu đào tơ”, “gái non ngon như mứt”, “bụng lép lưng cong”, “trong như ngọc, trắng như ngà”. Người có thân hình “cong cong hình vại, thoai thoải hình chum” hay “thân hình cá rô đực”, tức là lép kẹp, mỏng dính, không ngực, không bụng chẳng thể coi là vẻ đẹp phụ nữ được. Mặt đẹp là “mặt hoa da phấn”, “mặt trái xoan”, “má lúm đồng tiền”. Mặt sứa gan lim, mặt “bí bổ đôi”, má bánh đúc, gò má cao, lưỡng quyền cao chưa thấy được ca ngợi bao giờ. Mắt người phụ nữ đẹp phải là “mắt lá răm, lông mày lá liễu”. Nếu còn non, trẻ thì phải có “mắt bồ câu”, tròn, luôn mở to, trong sáng. Chưa thấy ai ca ngợi đôi mắt hấp háy, mắt to mắt bé. “Ti hí mắt lươn” là dạng người gian xảo. Mắt trắng dã môi thâm xì là loại người độc ác, tham lam. Mắt đẹp phải là mắt thông minh, có hồn, là mắt “nhãn trung hữu thuỷ”, tức là lúng liếng, ướt át, có tình.
Những người con mắt lá răm
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.
Lông mày phải cong hình vầng trăng khuyết, nếu không cũng phải là “mắt phượng mày ngài” mới gọi là đẹp. Mặt đẹp mà cổ ngắn tũn cũng vứt. Cổ phải là “cổ kiêu ba ngấn”, tức cao. Lưng phải là lưng cong chữ “cụ”, chứ không thể là lưng thẳng duỗn, trông tướng như đàn ông. Miệng phải xinh, “cười ra hoa ra nụ”. Môi phải đỏ tươi. Nàng Bạch Tuyết đẹp được tả là “da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như gỗ mun”.
Nhưng quan trọng nhất là ba vòng: Ngực, eo, hông. Ca dao có câu “đàn ông không râu bất nghì/ đàn bà không vú lấy gì nuôi con”. Chính bộ ngực, đôi nhũ hoa mới là biểu tượng của đàn bà. Vú phụ nữ đẹp phải là “vú chữ tâm”, tức cao và nhọn, chứ không thể là vú bánh giầy, vú mướp. Hoá ra, vòng một vẫn là “thước đo vẻ đẹp” phụ nữ, còn có giá trị đến tận bây giờ. Trong các cuộc thi hoa hậu, thì số đo ba vòng là quan trọng nhất. Ai ứng xử tốt, nhưng số đo ba vòng không chuẩn thì chỉ được giải “người có câu trả lời hay nhất”, chứ còn lâu mới được đội vương miện. Cũng vì ý thức được tầm quan trọng của bộ ngực, nên ngày nay người ta mới có công nghệ cải thiện vòng một. Nâng ngực, sửa ngực sệ, bơm ngực, độn ngực… phải chăng cũng chỉ muốn trở thành người phụ nữ đẹp. Đi kèm với bộ ngực đẹp có biết bao nhiêu hãng thời trang, phụ tùng đi kèm phục vụ cho việc làm đẹp “đôi gò bồng đảo”. Ngực phụ nữ không chỉ để “nuôi con”, mà còn là sự hấp dẫn giới tính đối với đàn ông. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi gặp gỡ phụ nữ lần đầu, sau 3 giây nhìn vào mặt phụ nữ, đàn ông chuyển cái nhìn xuống… ngực! (tham khảo thêm bài: Nhìn trộm ngực đẹp của phụ nữ - Bí quyết giúp đàn ông sống lâu hơn)
Tiếp theo là đến eo, tức vòng hai. Từ cổ chí kim, ở Việt Nam chưa bao giờ ca ngợi cái bụng phệ của phụ nữ (trừ trường hợp phụ nữ có thai, mang trong mình mầm sống mới, không được coi là đẹp nhưng cũng không ai dám… chê). Ngày trước phụ nữ đẹp là người “thắt đáy lưng ong”. Eo nhỏ dạng “thắt đáy lưng ong” không chỉ là biểu tượng của cái đẹp, mà qua nó người ta còn đánh giá được cả cái đức nữa.
Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con!
Xưa đã vậy, nay cũng chẳng mấy thay đổi. Vòng eo nhỏ vẫn là khát khao của mọi phụ nữ. Những ai “trót phúc hậu”, lên vài cân, thấy mặc quần đã chật là lo lắng sốt vó. Nhịn ăn, uống dấm, tập thể hình, đánh tan mỡ bụng, hút mỡ bụng, quấn nóng, lắc vòng… cũng chỉ mong sao cho “nó” ( vòng eo) xuống một vài phân. Có người phụ nữ mỗi năm mất hàng chục triệu đồng để “tu bổ” cái vòng eo, sao cho không được “thắt đáy lưng ong” thì cũng đừng to quá.
Hông nở, chân thon dài cũng là tiêu chí của người đẹp xưa kia, nay vẫn vậy. Ngày trước, hông nở là dấu hiệu của “sinh đẻ ngon lành”. Ngày nay, hông nở, kèm chân dài là dấu hiệu của “gợi tình”, của sexy. (tham khảo thêm bài: Phụ nữ thắt đáy lưng ong có thực ‘khéo chiều chồng’?)
Tóm lại, đã là phụ nữ đẹp thì phải gợi cảm, phải “ngon mắt”. Bên cạnh những mắt phượng mày ngài, da trắng môi đỏ, trong ngọc trắng ngà… thì ba vòng ngực, eo và mông vẫn là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá người đẹp. Biểu tượng cái đẹp mang màu sắc giới tính đã ăn sâu vào bộ não con người, truyền từ đời này sang đời khác và giống nhau ở mọi thời đại, mọi nền văn hoá.
Nhà nghiên cứu người Mỹ tên là Johnston đã làm thí nghiệm như sau. Ông thiết kế trên máy tính hàng trăm mẫu người đẹp khác nhau, từ người “cực nam tính”, đến người “cực nữ tính”, rồi mang đi hỏi khắp thiên hạ, yêu cầu họ đánh dấu vào hình người mà họ cho là đẹp. Kết quả cho thấy đàn ông đều đồng loạt chọn những khuôn mặt có nhiều nét nữ tính nhất, tương ứng với vẻ mặt phụ nữ mang những đặc điểm hormone giới tính nổi bật nhất. Những đặc điểm khuôn mặt này phát triển trong giai đoạn dậy thì, bắt nguồn từ việc phóng thích estrogen, làm cho môi mọng lên, hàm nhỏ lại và mắt to ra. Đó là những dấu hiệu của sự mắn đẻ, và bởi vì nó mang tính sinh học nên phổ biến với mọi nền văn hóa. Còn nhiều bằng chứng khác cho thấy đàn ông bị “chết” bởi vẻ đẹp sinh học của giới nữ. Nhà tâm lý Devendra Singh tại Đại học Texas đã khẳng định đặc điểm quan trọng nhất trên thân thể phụ nữ, từ những cô gái Ai Cập cổ đại cho tới các thiếu nữ đi dạo trên bãi biển Hawaii, là tỷ lệ giữa vòng eo và vòng hông. Eo thon, hông nở vẫn được coi là đẹp trong mắt đàn ông dù da trắng hay da màu! “Điều gì hấp dẫn ở cái rốn của Jennifer Lopez?”. “Bởi vì nó thu hút sự chú ý tới thân hình thắt đáy lưng ong của cô ta, một dấu hiệu của sự phì nhiêu”, Singh tuyên bố như vậy.
Bất cứ xã hội nào thì vẫn cổ vũ cái đẹp và đào thải cái xấu. Bên cạnh nét đẹp tinh thần, ngày nay nét đẹp vật chất, nét đẹp bề ngoài vẫn được ưa chuộng và không mấy thay đổi. Tóc óng mượt, mắt sáng trong, mũi dọc dừa, môi chúm chím, eo thon, ngực nở, hông rộng vẫn là nét đẹp dễ thấy và càng ngày càng dễ đạt hơn nhờ sự tiến bộ của khoa học, giải phẫu thẩm mỹ. Dù sao chăng nữa cũng phải công nhận người xưa không phải không có con mắt tinh đời và sành sỏi, biết thế nào để đi tới sắc đẹp của một giai nhân mà chinh phục.
Theo Đinh Đoàn (dinhdoan.net)
Thấy hay thì chia sẻ ngay nhé bạn!
Thế nào là một người phụ nữ đẹp?
4/
5
Oleh
SKNCT